Nghệ sĩ ít năng lực sẽ bị đào thải!

(Dân trí) - “Khi làm nghệ thuật theo mô hình xã hội hóa, người nghệ sĩ buộc phải vận động để bắt nhịp được với thời cuộc, đáp ứng được thị trường. Xã hội hóa không có cơ hội cho những… người lười!”, ông Nguyễn Văn Khánh - Cục Phó Cục Nghệ thuật biểu diễn nói.

Theo ông, vì sao việc xã hội hóa nghệ thuật lại mang đến nhiều lợi ích như thế?

 

Xã hội hóa nghệ thuật không chỉ huy động và tập trung được nhiều nguồn vốn đầu tư trong xã hội mà còn tạo động lực mạnh cho việc cạnh tranh, đây là mặt nổi bật của nó. Xã hội hóa nghệ thuật tránh được tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bởi khi người ta đã bỏ ra một đồng vốn đầu tư thì cũng tính xem phải thu về được những gì.

 

Không phủ nhận được lợi ích của việc xã hội hóa trong nghệ thuật, nhưng cho tới nay vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi giữa những người làm quản lý, thưa ông?

 

Vấn đề là các nhà quản lý cấp cao, những chuyên gia đầu ngành như Bộ VHTT thì đã có kế hoạch, đề án rồi, nhưng các đơn vị liên quan chưa quán triệt, triển khai cho có hiệu quả.

 

Một lý do nữa, khi xã hội hóa bung ra thì sẽ đụng chạm tới quyền lợi của không ít cá nhân hay các đơn vị quen hưởng bao cấp của Nhà nước. Ví dụ, xã hội hóa sẽ thanh lọc không ít những nghệ sĩ lâu nay không có sự đóng góp nào thật sự xuất sắc trong nghệ thuật, nhưng vẫn “dật dờ” trong đoàn nào đó vì đã “yên vị” trong cơ chế, yên tâm sống với chế độ lương bổng sẵn có…

 

Trong lĩnh vực sân khấu hiện nay, không ít các nghệ sĩ “ăn theo” danh tiếng của mình từ các lĩnh vực khác như “quen mặt” trên truyền hình hoặc “một thời để nhớ” từ điện ảnh, họ có thể sống ổn. Còn những nghệ sĩ không tên tuổi ở lĩnh vực nào, họ sẽ đi đâu, về đâu, thưa ông?

 

Khi người ta quy hoạch lại đội ngũ nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật theo đặc thù từng vùng miền văn hóa khác nhau, chứ không nằm tất cả ở Hà Nội như hiện nay, thì sẽ hạn chế được rất nhiều các đơn vị nghệ thuật do Nhà nước quản lý. Lẽ dĩ nhiên, số lượng nghệ sĩ ít năng lực, không thiết tha với nghề sẽ bị đào thải. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người nghệ sĩ phải tự ý thức được mình nên làm gì. Nếu khả năng không đáp ứng được với nghề, với sự chuyên nghiệp thì có thể chuyển qua hoạt động nghệ thuật quần chúng. Tôi nghĩ đó cũng là một giải pháp.

 

Xin cảm ơn ông! 

 

Thục Nhi