Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

Phạt nguội xe máy

Trong giờ thảo luận của môn Luật Hành chính, một sinh viên nêu tình huống: "Vị giáo sư nước ngoài ở Việt Nam đã không thể giải thích với bạn của ông, vì sao thành phố phải làm những thanh chắn trên vỉa hè, khiến người khuyết tật nếu đi xe lăn thì không thể qua lại ở khu vực này".

Mục đích của thanh chắn là ngăn chặn xe máy lao lên vỉa hè. Chúng ta nhìn những thanh chắn đó thấy… bình thường song với nhiều người nước ngoài, trong đó có vị giáo sư và bạn của ông, thì không thể hiểu vì sao. Cũng như họ từng ngạc nhiên với cảnh hỗn loạn giao thông trên đường phố khi mới sang Việt Nam.

Phạt nguội xe máy - 1

Hình ảnh người đi xe máy vượt đèn đỏ trong giờ cao điểm tại Hà Nội, tháng 2/2023 (Ảnh minh họa: Quân Đỗ)

Cảnh vi phạm giao thông diễn ra hàng ngày với cả ô tô và xe máy, và một trong những hình ảnh phổ biến nhất là xe lao lên vỉa hè, đi sai làn… Dường như bất lực với hiện tượng này, nhiều nơi tự phát các biện pháp cực đoan như lắp đặt thanh chắn, trụ đá trên vỉa hè, làm thêm dải phân cách trên đường... Những biện pháp này tuy buộc các loại phương tiện không thể lao lên vỉa hè hay đi sai làn, nhưng lại có "tác dụng phụ" là hạn chế tham giao thông đối với người khuyết tật sử dụng xe lăn, và khiến xe cấp cứu, xe cứu hỏa… không thể di chuyển khi cần thiết vì những con phố vốn nhỏ hẹp đã bị dải phân cách làm cho nhỏ hẹp hơn.

Các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM có hàng triệu xe máy, với sự linh hoạt và thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày, xe máy sẽ còn được sử dụng lâu dài. Và chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến cảnh xe máy vượt đèn đỏ, lao lên vỉa hè, chạy sai làn, chạy quá tốc độ, dừng đỗ không đúng nơi quy định… Tôi không nói rằng tất cả những người sử dụng xe máy đều vi phạm giao thông, nhưng có thể nói bên cạnh những người tuân thủ tốt thì số vi phạm là rất nhiều. Cứ ra đường là thấy! Do vậy tôi ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, về việc phạt nguội những người đi xe máy vi phạm luật giao thông.

Đứng trước khả năng bị ghi hình, bị phát hiện khi vi phạm giao thông, chủ phương tiện sẽ phải cân nhắc về lợi ích của việc "nhanh vài giây, hay vài phút" khi vi phạm, nhưng sẽ mất nhiều giờ để đi nộp phạt, và dĩ nhiên bên cạnh mất thời gian thì còn mất tiền nộp phạt. Tăng cường phạt nguội sẽ khiến người tham gia giao thông phải điều chỉnh hành vi, gia tăng tính tuân thủ pháp luật về tham gia giao thông.

Nhiều người lo lắng tình trạng xe chưa đăng ký chính chủ sẽ khiến việc xử phạt khó khăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng chính việc tăng cường xử phạt nguội sẽ là "mũi tên trúng hai đích". Một mặt hạn chế các hành vi vi phạm giao thông, mặt khác thúc đẩy người dân đã bán, tặng xe phải chủ động sang tên để tránh bị… phạt oan.

Những người mới chuyển nhượng xe trong thời gian ngắn sẽ nhanh chóng làm thủ tục sang tên; còn những người đã sang nhượng nhiều năm mà chưa sang tên thậm chí đến giờ không tìm thấy người mua xe đã di chuyển đi đâu, hay xe máy bị mất, thất lạc nhiều năm…họ có thể lựa chọn cách tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu.

Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 239 Bộ luật dân sự 2015 như sau: "Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó".

Việc tuyên bố công khai có thể thực hiện thông qua đăng báo hoặc người chủ sở hữu làm đơn đến cơ quan công an để tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu này. Sau khi tiếp nhận tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu, cơ quan công an có thể ra quyết định vô hiệu hóa biển số và đăng ký xe cũ đồng thời thông báo thời hạn cụ thể để chủ phương tiện đang sử dụng hợp pháp liên lạc lại với người bán để hoàn thiện các thủ tục sang tên và đăng ký lại quyền sở hữu của mình.

Trường hợp chủ sở hữu mới không ra đăng ký mà tiếp tục sử dụng thì phương tiện sẽ bị coi là bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt như những loại phương tiện không có giấy tờ hợp lệ khác. Cơ quan chức năng có thể tiến hành định danh biển số xe gắn máy giống như biển xe ô tô phục vụ cho công tác kiểm soát và phạt nguội.

Hy vọng phạt nguội xe máy sẽ giúp đường phố, hè phố thông thoáng hơn, không còn những thanh chắn hay trụ chắn trên vỉa hè gây khó hiểu với người nước ngoài đến Việt Nam.

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!